Chu Quần Phi - người phụ nữ “sinh ra không sợ hổ” và hành trình trở thành bà hoàng kính điện thoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Đứng trên sân ga lúc đó tôi thực sự muốn nhảy vào đường tàu" - ít người nghĩ rằng câu nói này phát ra từ miệng Chu Quần Phi, người từng đứng đầu danh sách phụ nữ Trung Quốc giàu nhất và được mệnh danh là "Bà hoàng kính điện thoại".

Chu Quần Phi bằng nghị lực và tài năng đã từ cô gái con nhà nông dân nghèo trở thành tỷ phú, "bà hoàng kính điện thoại" (Ảnh: Toutiao).
Chu Quần Phi bằng nghị lực và tài năng đã từ cô gái con nhà nông dân nghèo trở thành tỷ phú, "bà hoàng kính điện thoại" (Ảnh: Toutiao).

Từng muốn "nhảy vào đường ray" tự sát

Năm 2003, khi Công ty Lens Technology nhận được đơn đặt hàng từ thương hiệu quốc tế lừng danh Motorola. Người sáng lập Chu Quần Phi đang chuẩn bị thể hiện tài năng thì bất ngờ bị các đồng nghiệp ghen ghét.

Các đối thủ cùng ngành cho rằng Lens Technology chỉ là nhà máy cỡ hạt vừng, hạt đậu, dựa vào đâu mà giành được đơn hàng từ thương hiệu lớn quốc tế?

Để hạ gục Lens Technology, các đối thủ đã liên kết với nhà cung cấp Nhật Bản mà Lens đã hợp tác từ lâu để ra tay với bà chủ trẻ đẹp này. Ngày giao hàng đã đến gần nhưng nhà máy lại đóng cửa do bị đối thủ liên minh tấn công, Chu Quần Phi đã nghĩ đến chuyện tự tử...

Năm 2015, Lens Technology được niêm yết trên GEM (Growth Enterprise Market - Thị trường doanh nghiệp tăng trưởng), giá cổ phiếu tăng vọt. Chu Quần Phi đứng đầu trong danh sách phụ nữ giàu có của Hurun với tài sản ròng 50 tỉ NDT, trở thành người phụ nữ giàu thứ 4 có mặt trong danh sách sau 10 năm.

Ít ai biết được những cay đắng và khó khăn mà bà phải chịu đựng suốt chặng đường từ một nữ doanh nhân bị đối thủ chèn ép muốn nhảy vào đường tàu trở thành nữ đại gia giàu.

Tra loi phong van khi len san.jpg
Chu Quần phi trả lời phỏng vấn của truyền thông (Ảnh: Toutiao).

Từ cô gái nuôi lợn nam tiến làm công nhân

Chu Quần Phi sinh năm 1971 tại một ngôi làng miền núi nghèo ở ngoại ô thị xã Tương Hương, tỉnh Hồ Nam. Tuổi thơ của bà rất u ám. Cha tay bị tàn tật và mù lòa, mẹ tự sát khi Chu Quần Phi mới 5 tuổi. Chị gái và anh trai ra ngoài học nghề, để em ở nhà với người bố tật nguyền.

Chu Quần Phi phải suốt ngày lo lắng chuyện cơm ăn, áo mặc, mặt lúc nào cũng lấm lem bùn đất, hậu quả của việc lên núi đốn củi, nuôi lợn và làm đủ mọi công việc vất vả.

Người cha tuy tàn tật nhưng là người khiêm tốn và hiếu học, ông dựa vào nghề đan giỏ tre nuôi sống gia đình. Để kiếm được nhiều tiền hơn, ông cũng học nhiều nghề thủ công khác nhau.

Điều này cũng gieo mầm mống “thích học hỏi” cho Chu Quần Phi khi sau này đến miền Nam khởi nghiệp. Cha rất quan tâm đến việc học của Chu Quần Phi. Ông đã yêu cầu con gái học thuộc lòng các cuốn văn vần dạy làm người như “Tăng Quảng hiền văn”, “Tam tự kinh”…

The cong nhan.jpg
Thẻ công nhân của Chu Quần Phi khi vào làm ở Aoya Quang học.

“Nghèo ở đô thị sầm uất không ai quan tâm, giàu sống ở núi xa cũng có họ hàng tìm đến”

Vì không thể trả học phí nên Chu Quần Phi phải bỏ học khi mới 15 tuổi. Để bản thân và gia đình có một cuộc sống tốt hơn, cô thề sẽ vươn lên. Cô đã nam tiến và đến làm thuê tại Nhà máy Quang học Aoya Thâm Quyến.

Mục đích của Chu Quần Phi khi chọn Quang học Aoya rất rõ ràng, vì nó ở rất gần Đại học Thâm Quyến. Cô có thể làm việc vào ban ngày và đến Đại học Thâm Quyến để học thêm vào ban đêm. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, cô đã lấy được nhiều chứng chỉ về kế toán, khai báo thuế quan và tin học.

Được ít lâu, Chu Quần Phi cảm thấy mệt mỏi với công việc cơ khí hàng ngày trong nhà máy. Cô đã viết đơn từ chức và nộp, nhưng thay vì cho nghỉ việc, cô lại được thăng chức. Giám đốc nhà máy khâm phục ý chí, lòng kiên trì, sự hiếu học của Chu Quần Phi nên đã thăng chức cho cô làm trưởng bộ phận in lụa.

Giữa lúc công việc đang thuận lợi, người giám đốc nhà máy xin từ chức. Nhà đầu tư Aoya Quang học lo ngại việc mở rộng nhà máy sẽ kéo tụt lợi nhuận nên chuẩn bị thoái vốn.

Chu Quần Phi không cam chịu khi thấy công sức lao động chăm chỉ của mình bị hủy hoại nên đã đứng ra nói với ông chủ rằng cô muốn làm giám đốc nhà máy: “Nếu thành công thì lương tùy ông, nếu không thành công, tôi sẽ làm công cho ông cả đời”.

Di hoc them buoi toi.jpg
Chu Quần Phi đi học thêm buổi tối.

Khi đó Chu Quần Phi mới 19 tuổi, chỉ là một cô gái trẻ dựa vào đâu mà dám làm giám đốc một nhà máy? Thấy sự tự tin của Chu Quần Phi, ông chủ quyết định thử một lần, ông cũng muốn xem cô gái trẻ “sinh ra không sợ hổ” này có thể làm được những gì.

Sau khi nhà máy được xây dựng, hoạt động kinh doanh chính là in chữ và hoa văn lên mặt kính đồng hồ. Chu Quần Phi đã áp dụng kỹ năng in lụa tự học vào sản phẩm và kết quả rất tốt.

Nhờ sự tìm tòi và quyết tâm của cô, nhà máy mới này đã trở thành đơn vị có lợi nhuận cao nhất của công ty. Ông chủ có con mắt tinh đời này chính là Dương Đạt Thành, cũng là người chồng đầu tiên của Chu Quần Phi.

Thật không may, ít lâu sau đó nhà máy gặp vấn đề. Vì ông chủ là người theo chủ nghĩa gia đình nên đã sắp xếp nhiều người thân vào công ty giữ những chức vụ quan trọng. Tuy nhiên, hiệu quả của các nhà máy khác trong công ty kém hơn rất nhiều nhà máy do Chu Quần Phi quản lý, các mối quan hệ đố kỵ bắt đầu liên kết lại để áp chế Chu Quần Phi.

Khi người chị họ biết được hoàn cảnh của Chu Quần Phi, tức giận đập bàn: “Em làm cho ai thì cũng chỉ là làm thuê thôi, còn chịu oan ức, sao chúng ta không cùng nhau làm?”

Đây trở thành cơ hội để Chu Quần Phi khởi nghiệp kinh doanh riêng.

Chu Quan Phi khi moi khoi nghiep.jpg
Chu Quần Phi khi mới khởi nghiệp.

Cùng gia đình khởi nghiệp

Năm 1993, Chu Quần Phi dùng hơn 20.000 HKD, cùng anh trai, chị dâu, chị gái, anh rể và hai anh em họ thuê một căn nhà ba phòng ngủ của một nông dân, bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình.

Cô đã tận dụng triệt để căn hộ 3 phòng ngủ này, các phòng ngủ được dùng làm ký túc xá, phòng khách dùng làm xưởng in và đóng gói, còn bếp dùng làm phòng ăn. Họ còn mua một tấm nhôm lớn, cắt ra và gia công thành nhiều máy in thủ công rồi nhận đặt hàng sản xuất.

Một năm sau, Chu Quần Phi muốn kết hôn với Dương Đạt Thành. Người trong gia đình cô rất coi thường Dương Đạt Thành. Đặc biệt, cha cô nghĩ Dương Đạt Thành là người đàn ông 49 tuổi đã ly hôn, dựa vào đâu mà cưới con gái ông mới 23 tuổi?

Trong chuyện tình cảm, cha mẹ càng phản đối thì con cái càng làm ngược lại, Chu Quần Phi cũng vậy, cô nhất quyết kết hôn với Dương Đạt Thành.

Không cam tâm làm người phụ nữ sau lưng chồng, sau khi sinh con gái, cô vẫn cần cù làm việc trong xưởng nhỏ của gia đình, hàng ngày làm việc cùng người thân đến 2-3 giờ sáng.

Được sự ủng hộ của gia đình, xưởng nhỏ của Chu Quần Phi dần đi đúng hướng.

Và cuộc tình không được gia đình ưu ái của Chu Quần Phi cũng không kéo dài được lâu. Trong giai đoạn khởi nghiệp sau này ở Thâm Quyến, cô đã ly hôn với Dương Đạt Thành.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra vào năm 1997, một số khách hàng không đủ khả năng thanh toán tiền hàng và phí gia công, vì vậy Chu Quần Phi đã yêu cầu họ sử dụng một số thiết bị cũ để gán nợ. Những thiết bị cũ này đã giúp Chu Quần Phi hình thành một dây chuyền sản xuất kính đồng hồ hoàn chỉnh.

Chu Quan Phi thanh cong.jpg

Năm 2001 là một bước ngoặt đối với công việc kinh doanh của Chu Quần Phi. Khi đó, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Leidi nhận được đơn đặt hàng kính điện thoại di động của Công ty TCL. Ông chủ Leidi rất mừng mời Chu Quần Phi và một vài người bạn cùng ăn tối. Tại bàn ăn, ông phân phát đơn đặt hàng lớn và giao cho Chu Quần Phi chịu trách nhiệm gia công kính điện thoại di động.

Vào thời điểm đó, màn hình điện thoại di động sử dụng thủy tinh hữu cơ không bền, dễ bị nứt vỡ vào mùa đông và khả năng trong suốt kém. Chu Quần Phi đã cố gắng áp dụng công nghệ mặt kính đồng hồ thuần thục của mình vào việc sản xuất kính điện thoại di động.

Cũng chính nỗ lực táo bạo này đã khiến chiếc điện thoại di động do Chu Quần Phi gia công mặt kính đã mở ra kỉ nguyên mới trong ngành. Cùng với việc bổ nhiệm ngôi sao nổi tiếng Hàn Quốc Kim Hee Sun làm đại sứ thương hiệu, chiếc điện thoại này ngay lập tức trở nên nổi tiếng và doanh số bán hàng tại thị trường nội địa liên tục tăng.

Các thương hiệu như ZTE, Panda và Konka bắt đầu đi theo sau Chu Quần Phi trong việc sử dụng màn hình thủy tinh; từ đó, màn hình điện thoại di động trong nước bước vào “kỷ nguyên màn hình kính”. (Còn nữa)

(Theo Toutiao)